www.tindoco.com
BỘ MÔN SƯU TẬP

WEB-LINKS
 
 
 

Bộ vật dụng ăn cau trầu bằng bạc của Huế xưa

 

Bộ vật dụng ăn cau trầu bằng bạc đang được trưng bày tại Bảo tàng MTCĐ Huế là những cổ vật độc đáo luôn thu hút sự chú ý của khách khi đến tham quan Bảo tàng. Nhóm hiện vật này khá đầy đủ với những vật dụng phục vụ cho tập tục ăn cau trầu mang đậm truyền thống Việt: Bình vôi cùng Hộp đựng vôi, Cối và Chìa xoáy cau trầu, Cơi đựng cau trầu, hộp đựng thuốc và Ống nhổ. Tất cả đều là những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo phục vụ cho sinh hoạt của các Mệ và quý bà trong cung Nguyễn xưa kia. Giá trị của những cổ vật trên không chỉ được khẳng định ở chất liệu, kiểu dáng, kỹ thuật chế tác mà còn biểu hiện ở đặc trưng văn hóa Việt trong nghệ thuật trang trí vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Chất liệu bạc góp phần làm nên giá trị và vẻ đẹp cho tác phẩm. Trên nền quý kim dễ chế tác này, bàn tay tài hoa của nghệ nhân xưa có điều kiện thỏa sức tung hoành sáng tạo. Bộ vật dụng ăn cau trầu này được tạo dáng khá nhỏ nhắn, thanh mảnh: từ chiếc nhỏ nhất là Cối xoáy cau trầu (cao:2,5cm, đường kính miệng: 2,5cm, trọng lượng: 100g) [Ảnh 1] đến chiếc lớn nhất là Bình vôi (cao: 15cm; đường kính đáy: 10cm; trọng lượng: 350g) [Ảnh 2] và chiếc dài nhất trong nhóm là Hộp đựng thuốc (cao:7cm; dài:13,5cm; rộng 8,5cm; trọng lượng: 300g) [Ảnh 3a, 3b]...

Kích thước trên rất phù hợp để chủ nhân của những vật dụng này dễ dàng bày biện chúng gọn gàng trong chiếc khay nhỏ khi thù tiếp khách khứa tại nhà, hoặc tiện mang theo trong những chuyến đi xa. Hẳn nhiên, khi không dùng đến, bộ đồ ăn cau trầu ấy là những tác phẩm mỹ thuật sáng giá cho việc bài trí ở nội thất cung điện hay vương phủ.

Kỹ thuật đúc nổi và chạm trổ trên bạc ở những cổ vật này đã đạt đến trình độ tinh xảo. Kiểu thức trang trí truyền thống đã được thể hiện nổi bật và nhất quán trên từng vật dụng. Kỳ công trong thủ pháp trang trí là chiếc Hộp đựng thuốc (hoặc đựng từng mẩu nhỏ vỏ cây chay để ăn ghém với trầu) có hình khối chữ nhật với năm mặt lộ diện đều được chạm trổ công phu, tỉ mỉ từng đồ án trang trí tiêu biểu cho phong cách cổ điển như: mai hạc, cúc điệp, hoa điểu, lưỡng long triều phúc... trong những ô hình chiếc khánh cùng những họa tiết hoa lá cách điệu được bài trí hài hòa ở bốn góc [Ảnh 3a, 3b].

Bên cạnh đó, chiếc Cơi đựng cau trầu hình khối tròn đứng (cao: 9cm; đường kính: 9cm; trọng lượng: 230g) [Ảnh 4], có mặt ngoài được phối kết trang trí cân xứng, uyển chuyển theo đề tài phụng ẩn vân với ba đôi chim phượng hoàng vờn bay giữa nhiều dải mây trời được chạm trổ đều đặn, sắc sảo. Ngoài ra, chiếc Ống nhổ (cao: 8,5cm; đường kính miệng: 8,5cm; trọng lượng: 250g) [Ảnh 5] có giá trị mỹ thuật cao với kỹ thuật tạo dáng xinh xắn thanh nhã và nghệ thuật bài trí, chạm trổ các hình tượng long, lân, qui, phụng mang theo hà đồ, lạc thư rất tinh tế, sống động. Bốn đồ án nghệ thuật ấy có bố cục cân xứng, xen kẽ với các mảng hoa văn hình chữ vạn cùng hai đường diềm hình lá đề mềm mại bao quanh thân Ống nhổ.


Trang trí có phần đơn giản hơn trong nhóm cổ vật này là chiếc Bình đựng vôi có dáng bầu tròn, mặt thân để trơn không chạm trổ. Nghệ nhân xưa chỉ điểm xuyết vào đấy một vài họa tiết nhẹ nhàng, trang nhã: núm bình chạm nổi hình quả na, hai đầu quai xách nối kết với thân bình là hai mặt hổ phù được chạm trong đường viền của hai hình lá đề cách điệu. Đơn giản nhưng lạ mắt đối với du khách là chiếc Cối xoáy cau trầu bằng ngà được bịt khéo léo hai vòng mảnh bằng vàng và bạc bao quanh miệng cối hình ô-van cùng hai vật dụng xinh xắn kèm theo là Que cời cau trầu bằng bạc và Chìa xoáy cau trầu bằng xương có bịt bạc ở tay cầm. Kích thước nhỏ bé cùng dáng vẻ thanh nhã của bộ vật dụng này (chỉ vừa đủ nghiền một miếng cau trầu cho một lần dùng của chủ nhân) khiến khách tham quan có cảm giác đấy là một món đồ chơi tinh xảo hơn là một vật dụng thông thường. Và cuối cùng là chiếc Hộp đựng vôi nhỏ bé có hình khối lục giác đứng (cao:7cm; rộng: 4cm; trọng lượng 50g) [Ảnh 6] với hai phần thân và nắp đậy đều được chạm trổ công phu hình hoa lá cách điệu. Hộp đựng vôi này sẽ rất tiện ích đối với chủ nhân của nó trong những chuyến du lãm, giao tiếp bên ngoài xã hội. Ở xứ Huế kinh kỳ ngày trước, vật dụng này còn gắn bó với những chiếc Đãy đựng trầu, thuốc bằng gấm hay lụa luôn được các bậc vương giả, quyền quý mang theo bên mình. Để rồi, từ trong giao đãi tâm tình, lấy Miếng trầu làm đầu câu chuyện mà sinh ra Chiều chiều lại nhớ chiều chiều, nhớ người đãy gấm, khăn điều vắt vai...

Bộ vật dụng ăn trầu cau bằng bạc của Huế xưa đáng được xem là những hiện vật quý của Bảo tàng MTCĐ Huế. Nhóm cổ vật này đã kết tinh tài hoa, trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác kim hoàn đạt mức điêu luyện của nghệ nhân Việt trong những thế kỷ trước. Ngày nay, tập tục ăn cau trầu ngày càng vắng bóng và mai một dần trong đời sống, sinh hoạt của người Việt hiện đại, việc lưu giữ và trưng bày nhóm cổ vật này là góp phần bảo tồn những ký ức lịch sử văn hóa ngàn đời tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Dẫu rằng, Mai sau dù có bao giờ!.

Tăng Khôi- Quý Mẫn


 

 

 

Ảnh 1

 

 

 

Ảnh 2

 

 

 

 

Ảnh 3a

 

 

Ảnh 3b

 

Ảnh 4

 

Ảnh 5

 

Ảnh 6