www.tindoco.com
BỘ MÔN SƯU TẬP

WEB-LINKS
 
 
 

Gốm Chu Ðậu :

Những Giá Trị Từ Ðáy Biển

 


Trên đời có những giá trị vật chất như vàng, bạc mà cũng có những giá trị tinh thần như tình bạn, tình yêu. Nhưng giá trị vật chất do thị trường mà quyết định, còn những giá trị tinh thần là do cá nhân con người hoặc tập thể cộng đồng đánh giá. Những giá trị vật chất thường để đếm thành tiền, còn những giá trị tinh thần thì theo từng cá nhân hoặc cộng đồng lấy làm quý báu. Nhiều khi những giá trị tinh thần thật là vô giá.
Cổ vật là đối tượng đặc biệt bao gồm cả giá trị vật chất, tức giả chất liệu làm nên cổ vật, cũng như giá trị tinh thần, trong đó có những giá trị như đồ hiếm quý, cổ kính, mỹ mãn hoặc tinh xảo với hai mặt vật chất và tinh thần gắn liền đến mức độ khó xét đâu là vật chất, đâu là tinh thần.


Có trường hợp giá trị vật chất của một món cổ vật gần như không đáng kể: như một tấm vải lụa mà giới nghiên cứu lịch sử Mỹ mới phát hiện được trong kho của một bảo tàng: nhưng, hóa ra đó là lá cờ đã treo trong nhà hát Ford ở Hoa Thinh Ðốn gần ghế ngồi của tổng thống Abraham Lincoln trong lúc Lincoln bị ám sát ngày 14 tháng 4 năm 1865. Do đó, giới sử học Mỹ nhận định, lá cờ này có giá trị to lớn đối với quốc dân Hoa Kỳ. Giá trị đó hoàn toàn là giá trị tinh thần, giá trị căn cứ vào việc lá cờ này đã treo gần người tổng thống vị đại trong một dây phút lịch sử. Người Hoa Kỳ cho là “quốc bảo”, nên thế giới cũng thấy rất có giá trị.


Gốm sứ Chu Ðậu mới được khai vớt từ tàu đắm cổ ngoài khơi Cù Lao Chàm, Hội An, vừa hiếm quý và cổ kính, vừa phản ảnh được tinh thần sáng tác phong phú, mỹ cảm đặc biệt, trình độ kỷ thuật cao và mức độ khéo tay khác thường của nghệ nhân Việt Nam nhiều thế hệ trước chúng ta. Ðúng là sản phẩm của một dân tộc có lịch sử bốn nghìn năm văn hiến. Ngoài giá trị chung đó “kho tàng Hội An” đối với người Việt Nam nói chung và đặc biệt là các cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ còn có giá trị tinh thần gì nữa không?
Các nhà khảo cổ học Việt Nam và nước ngoài đã trực tiếp tham gia cuộc khai vớt tàu đắm cổ Cù Lao Chàm đều nhất trí rằng lô hàng gốm sứ này thuộc về khoảng giữa thế kỷ 15. Một số bát sứ hoa lam Trung Quốc do thủy thủ mới dùng một thời gian không lâu thì có niên đại tương đối chính xác: khoảng 1436 – 1464, cho phép nhận định rằng niên đaị của lô hàng vào khoảng ấy.
Nói chung, giữa thế kỷ và nửa sau thế kỷ 15, thời các vua Lê Thái Tông (1434 – 1441), Lê Nhân Tông (1442 – 1459) và Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là thời kỳ nước Ðại Viêt, sau khi đã đánh đuổi quân xâm lăng của nhà Minh, trở nên cực kỳ phát triển và thịnh vượng về các mặt chính trị kinh tế và văn hoá. Không lấy gì làm lạ gốm sứ của Chu Ðậu – Mỹ Xá và vùng lân cận thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay hồi đó được phát triển đến độ cao và được xuất khẩu khắp vùng Ðông Nam Á và xa hơn nữa.
Trong số mấy mươi vạn cổ vật vớt lên từ tàu đắm này có một cái đỉa có hai chử “Việt Quốc” (bên cạnh còn có mấy chử có lẽ chỉ một vùng cụ thể nhưng giới nghiên cứu chưa kết luận được là nơi nào) mà nghệ nhân đã ghi một cách rỏ nét, tiếc rằng chưa tìm được một món nào nghệ nhân đã ghi niên đại một cách trực tiếp và rành mạch như đã ghi “địa chỉ” nơi sản xuất.
Tuy vậy bộ sưu tầm tàu đắm này còn có một món cổ vật nữa, là cái đỉa có ký hiệu 1676, mà đã gợi ý một cách gián tiếp một lối di tìm niên đại chính xác hơn của tàu:
Lòng đỉa đó vẻ một phong cảnh đơn giản với một cây cổ thụ có một cành to, gió từ phía trái sang phía phải lòng đỉa, tạo ra khung cảnh cho một góc trời giữa cảnh và vật. Trên góc trời đó có hai vòng đồng tâm gàn bằng nhau. Giữa vòng tròn có ghi hai chử Hán trong một cột: chử “nguyệt” ở trên và chử “nhật” ở dưới.
Chúng tôi có nhiều lý do để khẳng định rằng: nghệ nhân đã có ý miêu tả hiện tượng khi mặt trăng đang che khuất mặt trời, tức là một hiện tượng nhật thực. Vì tính chất rất đặc biệt của cảnh này trong tất cả các loại trang trí gốm Chu Ðậu nghi rằng nghệ nhân đã vẻ cảnh này không lâu sau khi nhật thực đó xảy ra: trong khoảng một hai năm là cùng. Nên chúng tôi bắt đầu kiểm tra bộ chính sử Ðại Việt Sử ký Toàn Thu, phần thế kỷ 15 và 16, để xem có ghi chép trường hợp nào vừa có nhật thực, vừa có tàu nước ngoài đến buôn bán và chuyến thương mại ấy lại rất thành công.
Hóa ra chỉ có một trường hợp như thế:
Tháng 11 năm 1435 có nhật thực; tháng 8 năm 1437 thuyền buồn Xiêm La (tức Thái Lan) tới “sang cống” (là cầu ước lể chi cả hai mặt ngoại giao và thương mại); tháng 11 cũng năm 1437 vua Lê Thái Tông tiếp sứ giả Xiêm La, như bộ Ðại Việt Sử ký Toàn Thư đã ghi chép:
“Nước Xiêm La sai sứ là bổn Trại Cương Lat sang cống. Vua đưa cho sắc thư bảo mang về và trừ cho phần thuế buôn giảm xuống bằng nửa phần năm trước, cứ 20 phần thứ 1 phần, rồi thưởng cho rất hậu. Ngoài ra, về phần chúa nước ấy, cho 20 tấm lụa màu, 30 bộ bát sứ, phần của bà phi nước ấy là 5 tấm lụa màu, 3 bộ bát sứ, mổi bộ 35 chiếc.”


Phải là một chuyến đi rất thành công thì vua mới tiếp đoàn sứ giả, phải hết sức thành công về mặt thương mại nên vua mới cho giảm thuế 50 phần trăm! Nếu giữa thế kỷ 15 một đoàn nước ngoài mua được trên dưới 300,000 chiếc gốm sứ để xuất khẩu như tàu đắm cổ Cu Lao Chàm đã cho (một phần bị vỡ trước khi khai vớt)) thì ai sẽ nói không phải lá thành công vỉ đại?
Như vậy tàu đắm cổ đã cho “ kho tàng Hội An” đúng là một con tàu lịch sử từ lúc mới tới Việt Nam năm 1437 đến khi được công ty Saga khai vớt năm 1999 với những phương tiện hiện đại nhất, chưa từng được dùng trong lịch sử khai quật khảo cổ học dưới nước trên thế giới. “Kho tàng Hội An” với từng chiếc đĩa, bình, hộp, lọ, dù là nhỏ nhất và có hoa văn trang trí bình dị nhất thì đều đã là “nhân chứng” một thời kỳ và một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam không kém gì là lá cờ Mỹ mới phát hiện được là “nhân chứng” đối với lịch sử Hoa Kỳ.


Qua “kho tàng Hội An” chúng ta được trực diện những hình ảnh trong một buổi tiếp sứ nước ngoài đầy ý nghĩa đối với nước Ðại Việt mới giành lại độc lập và đang tìm cách khai thác thời cơ mới khi nhà Minh mới bắt đầu áp dụng chính sách tỏa cảng đối với các nước hải ngoại, bỏ hẳn các thị trường rộng lớn ở các nước đó (1436). Buổi tiếp khách đó có lẽ diễn ra ở cung điện nhà Lê trong thành Thăng Long: chúng ta có thể hình dung một người vua còn rất trẻ (Lê Thái Tông, con Lê Thái Tổ, tức anh hùng dân tộc Lê Lợi, lên ngôi cách đây 4 năm khi mới 11 tuổi) nhưng trong tấm lòng cởi mở đã mang một chí lớn. Xung quanh vua có các bậc lảo thành đã từng theo vua cha tham gia kháng chiến chống nhà Minh và lập triều đình nhà Lê mới, trong số đó chắc chắn không thể thiếu được vì chiến lược và ngoại giao vĩ đại, đại văn hào toàn diện Nguyễn Trãi mà đúng trong năm đó ông đã khuyên vua: “Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thánh âm là văn của nhạc…Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chòm xóm không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.”


Thiết tưởng tất cả những điều đó thuộc giá trị tinh thần của từng món cổ vật trong “kho tàng Hội An” đối với mọi người Việt Nam. Còn riêng đối với cộng đồng Việt Nam ở Hoa Kỳ, từng một món cổ vật từ “kho tàng Hội An” càng làm cho mọi người sống với lòng tự tin và tự hào về văn hóa dân tộc của mình: Việt Nam đã xuất khẩu gốm sứ này ra nhiều nước hải ngoại trước khi ông Columbus phát hiện châu Mỹ hơn 50 năm trời.
Cổ vật này trong tay của từng gia đình người Việt Nam ở Hoa Kỳ sẽ luôn luôn giúp cha mẹ trong việc giáo dục con cái về truyền thống văn hóa vẽ vang của Tổ Quốc và tổ tiên từ đời này qua đời sau. Là một xã hội của di dân từ nhiều nước đến, người Hoa Kỳ đã rút được một kinh nghiệm quan trọng: các cháu đời thứ ba sinh ra ở Hoa Kỳ thế nào cũng ham muốn tìm tòi về gốc gia đình và Tổ quốc xã hội của ông bà. Một món cổ vật trong tay một gia đình Việt Nam ở Hoa Kỳ thật là vô giá. Cộng đồng Việt Nam càng quý từng món trong “kho tang Hội An”, thì cả nước Hoa Kỳ sẽ càng thấy có giá trị.

Một người Việt Nam ở Hoa Kỳ.

(Theo Vietantique)